Vừa qua Bộ luật Lao động 2019 ban hành ngày 20 tháng 11 năm 2019 chính thức có hiệu lực vào ngày 01 tháng 01 năm 2021 đã có những thay đổi về nội dung phải có trong Nội quy lao động, theo đó các doanh nghiệp cũng sẽ phải tiến hành sửa đổi Nội quy lao động để phù hợp với quy định của Luật hiện hành. Trong bài viết này, KAV Lawyers sẽ thông tin đến cho bạn đọc trình tự, thủ tục để tiến hành đăng ký Nội quy lao động theo quy định của Bộ luật lao động 2019.
Cụ thể căn cứ Điều 118 Bộ luật Lao động 2019 (BLLĐ 2019) và hướng dẫn tại Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì Nội quy lao động của doanh nghiệp cần có các nội dung chủ yếu sau đây:
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
- Trật tự tại nơi làm việc;
- An toàn, vệ sinh lao động;
- Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấrối tình dục tại nơi làm việc;
- Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động;
- Trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động;
- Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động;
- Trách nhiệm vật chất;
- Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động.
Theo đó “Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc” là một trong những nội dung mới trong Nội quy lao động mà Quý Doanh nghiệp cần lưu ý. Quý Doanh nghiệp có thể quy định nội dung “Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc” trong nội quy lao động hoặc bằng phụ lục ban hành kèm theo nội quy lao động bao gồm các nội dung cơ bản sau (Điều 85 Nghị định 145/2020/NĐ-CP):
- Nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
- Quy định chi tiết, cụ thể về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc phù hợp với tính chất, đặc điểm của công việc và nơi làm việc;
- Trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục xử lý nội bộ đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bao gồm cả trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các quy định có liên quan;
- Hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với người thực hiện hành vi quấy rối tình dục hoặc người tố cáo sai sự thật tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm;
- Bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và các biện pháp khắc phục hậu quả.
- Ngoài ra, các quy định của người sử dụng lao động về khiếu nại, tố cáo về quấy rối tình dục và xử lý đối với hành vi quấy rối tình dục phải bảo đảm các nguyên tắc: Nhanh chóng, kịp thời;
- Bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị quấy rối tình dục, người khiếu nại, tố cáo và người bị khiếu nại, bị tố cáo.
Như vậy để thực hiện thủ tục đăng ký Nội quy lao động thì trình tự các bước như thế nào?
Lưu ý về trường hợp phải đăng ký Nội quy lao động: Căn cứ khoản 1 Điều 119 Bộ luật lao động năm 2019 thì: “Người sử dụng lao động sử dụng từ 10 người lao động trở lên phải đăng ký nội quy lao động tại cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi người sử dụng lao động đăng ký kinh doanh”. Như vậy, nếu người sử dụng lao động sử dụng dưới 10 người lao động thì không phải đăng ký Nội quy lao động, tuy nhiên, cần đảm bảo nội dung của Nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định của pháp luật có liên quan. Căn cứ Điều 121 Bộ luật lao động năm 2012 thì: “Trường hợp người sử dụng lao động sử dụng dưới 10 người lao động ban hành nội quy lao động bằng văn bản thì hiệu lực do người sử dụng lao động quyết định trong nội quy lao động”.
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký gồm:
- Văn bản đề nghị đăng ký nội quy lao động;
- Nội quy lao động;
- Văn bản góp ý của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;
- Các văn bản của người sử dụng lao động có quy định liên quan đến kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất (nếu có).
Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ban hành nội quy lao động, người sử dụng lao động tiến hành nộp hồ sơ đăng ký nội quy lao động tại cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) nơi người sử dụng lao động đăng ký kinh doanh.
Bước 3: Nhận kết quả
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký nội quy lao động, nếu nội dung nội quy lao động có quy định trái với pháp luật thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thông báo, hướng dẫn người sử dụng lao động sửa đổi, bổ sung và đăng ký lại.
Nội quy lao động có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 119 của Bộ luật này nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký nội quy lao động (Điều 121 BLLĐ 2019).
Lưu ý: Cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp huyện (Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội) thực hiện việc đăng ký nội quy lao động.
Trên đây là thông tin về đăng ký nội quy lao động theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019, nếu có thắc mắc hoặc mong muốn tư vấn pháp luật, quý khách vui lòng liên hệ KAV Lawyers qua các thông tin sau:
Email: info@kavlawyers.com hoặc vu@kavlawyers.com
Số điện thoại: : (+84) 28 6270 7075 hoặc (+84) 949 761 861
KAV Lawyers – Công ty Luật uy tín xin hân hạnh phục vụ quý khách.