Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Trong kinh doanh, nhãn hiệu có ý nghĩa khá quan trọng, một mặt giúp người tiêu dùng xác định hàng hóa, dịch vụ của một tổ chức, cá nhân cụ thể, nhằm phân biệt hàng hóa, dịch vụ đó với các hàng hóa, dịch vụ giống hoặc tương tự; mặt khác là cơ sở để phân biệt hàng thật, hàng giả, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Vậy, làm thế nào để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho người kinh doanh, doanh nghiệp nói chung, trình tự và thủ tục ra sao? Trong bài viết này, KAV Lawyers sẽ cung cấp cho bạn đọc một số thông tin về những vấn đề liên quan đến đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và trình tự thực hiện thủ tục này.
Trước hết để được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu thì nhãn hiệu đó phải đáp ứng những điều kiện được quy định tại Điều 72 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019 (LSHTT):
- Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc;
- Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.
Ngoài ra còn phải không thuộc những trường hợp quy định tại Điều 73 của LSHTT, bao gồm:
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước;
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép;
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài;
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận;
- Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ.
Để đăng ký bảo hộ thành công doanh nghiệp cần phải kiểm tra kĩ càng về những điều kiện cho phép và không cho phép có trên một nhãn hiệu, nếu không đáp ứng điều kiện tối thiểu trên, Cục sẽ từ chối cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cho chủ đơn đăng ký.
Trình tự thủ tục
Bước 1. Kiểm tra tính hợp lệ của nhãn hiệu
Chủ đơn đăng ký cần phải kiểm tra tính hợp lệ của nhãn hiệu theo các tiêu chí trong LSHTT quy định. Cụ thể là về dấu hiệu và khả năng phân biệt của nhãn hiệu.
Về dấu hiệu: Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc.
Về khả năng phân biệt: Nhãn hiệu được coi là có khả năng phân biệt nếu được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố dễ ghi nhớ hoặc từ nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ và không thuộc các trường hợp bị coi là không có khả năng phân biệt được quy định tại khoản 2 Điều 74 LSHTT.
Đơn đăng ký phải đảm bảo tính thống nhất, mỗi đơn chỉ được yêu cầu đăng ký một nhãn hiệu dùng cho một hoặc nhiều hàng hóa dịch vụ khác nhau.
Để kiểm tra các điều kiện trên, cần thực hiện thủ tục tra cứu như sau:
Bước 1.1: Xếp nhóm hàng hóa, dịch vụ theo bảng phân loại (phiên bản mới nhất Nice 11-2020), liệt kê các lĩnh vực theo các nhóm liên quan.
Bước 1.2: Xác định xem nhãn hiệu có dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu được quy định tại Điều 73 Luật sở hữu trí tuệ không.
Bước 1.3: Xác định dấu hiệu và yếu tố nhận biết chính trong nhãn hiệu (gồm phần hình và phần chữ).
Bước 1.4: Tiến hành tra cứu
+ tra cứu phần chữ (ví dụ: tên nhãn hiệu *thống nhất*)
+ tra cứu phần hình (theo phân loại hình Vienna)
+ tra cứu tên sản phẩm/dịch vụ
Các nền tảng dữ liệu để tra cứu:
http://ipplatform.vipri.gov.vn/database/nhan-hieu của Bộ khoa học và công nghệ
http://iplib.noip.gov.vn/WebUI/WLogin.php của Cục sở hữu trí tuệ
Bước 2. Chuẩn bị hồ sơ đăng ký
Sau khi kiểm tra nhãn hiệu, đánh giá khả năng cấp văn bằng bảo hộ thì tiến hành chuẩn bị hồ sơ đăng ký. Hồ sơ đăng ký gồm:
- Tờ khai yêu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu;
- Mẫu nhãn hiệu: 06 mẫu
- Chứng từ nộp phí, lệ phí
- Giấy ủy quyền (nếu nộp đơn đăng ký nộp thông qua các tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp)
- Tài liệu xác nhận quyền đăng ký
- Tài liệu xác nhận thụ hưởng quyền đăng ký từ người khác nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đăng ký của người khác;
- Quy chế sử dụng NH chứng nhận/ nhãn hiệu tập thể (đối với đơn đăng ký nhãn hiệu chứng nhận/ nhãn hiệu tập thể);
- Các tài liệu chứng minh khác (nếu có).
Bước 3. Nộp hồ sơ, đóng lệ phí
Người nộp đơn có thể nộp đơn giấy trực tiếp đến các điểm tiếp nhận đơn của Cục sở hữu trí tuệ;
Hoặc nộp hồ sơ đăng ký qua bưu điện;
Hoặc nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng điện tử.
Các điểm tiếp nhận hồ sơ:
– Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ, địa chỉ: 386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
– Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, 17/19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
– Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Đà Nẵng, địa chỉ: Tầng 3, số 135 Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
Các khoản phí, lệ phí
- Lệ phí nộp đơn: 150.000đ
- Phí tra cứu phục vụ cho việc thẩm định nội dung: 180.000 đồng cho mỗi đối tượng trong đơn
- Phí thẩm định nội dung: 550.000 đồng cho mỗi đối tượng trong đơn
- Phí công bố đơn: 120.000đ
- Phí thẩm định + tra cứu từ sản phẩm thứ 7 trở đi: 150.000 đồng/ sản phẩm
Bước 4. Nhận kết quả
Kể từ ngày được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận, đơn đăng ký nhãn hiệu được xem xét theo trình tự sau:
– Thẩm định hình thức: 01 tháng
– Công bố đơn: trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày đơn đăng ký nhãn hiệu có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ;
– Thẩm định nội dung: không quá 09 tháng, kể từ ngày công bố đơn.
Như vậy sau ít nhất 01 năm kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ, chủ đơn đăng ký sẽ nhận đượcGiấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Trên đây là bài viết về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu KAV Lawyers gửi đến quý khách. Nếu có thắc mắc hay mong muốn tư vấn pháp luật nào khác, quý khách vui lòng liên hệ KAV Lawyers qua các địa chỉ liên lạc dưới đây:
Email: info@kavlawyers.com hoặc vu@kavlawyers.com
Số điện thoại: : (+84) 28 6270 7075 hoặc (+84) 949 761 861
KAV Lawyers – Công ty luật uy tín, rất hân hạnh được phục vụ quý khách !