PHÁN QUYẾT CỦA TRỌNG TÀI NƯỚC NGOÀI CÓ ĐƯỢC CÔNG NHẬN VÀ CHO THI HÀNH TẠI VIỆT NAM KHÔNG?

Với việc hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, ngày càng có nhiều đối tác nước ngoài hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều lĩnh vực kinh doanh. Trong quá trình hợp tác, không tránh khỏi sẽ có những tranh chấp có thể phát sinh giữa các bên. Vậy, trong trường hợp xảy ra tranh chấp hợp đồng về kinh doanh, thương mại mà tranh chấp đó đã được giải quyết bằng phán quyết của Trọng tài nước ngoài thì các đối tác nước ngoài có được yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài đó tại Việt Nam để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hay không? Hãy cùng KAV Lawyers tìm hiểu một số thông tin có liên quan đến việc yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam trong bài viết này.

1. Thời hiệu yêu cầu công nhận và cho thi hành

Theo quy định tại Điều 432 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì thời hiệu để yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài là 03 năm, kể từ ngày phán quyết của Trọng tài nước ngoài có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp người làm đơn yêu cầu chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà không thể gửi đơn đúng thời hạn nêu trên thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hạn gửi đơn yêu cầu.

2. Điều kiện để công nhận và cho thi hành

Theo quy định tại khoản 1 Điều 424 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì phán quyết của Trọng tài nước ngoài sau đây sẽ được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam:

– Phán quyết của Trọng tài nước ngoài mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng là thành viên của điều ước quốc tế về công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài;

– Phán quyết của Trọng tài nước ngoài không thuộc trường hợp nêu trên trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 424 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì phán quyết của Trọng tài nước ngoài được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam là phán quyết cuối cùng của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp, chấm dứt tố tụng trọng tài và có hiệu lực thi hành.

Điều 459 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về những trường hợp không công nhận phán quyết của Trọng tài nước ngoài như sau:

“1. Tòa án không công nhận phán quyết của Trọng tài nước ngoài khi xét thấy chứng cứ do bên phải thi hành cung cấp cho Tòa án để phản đối yêu cầu công nhận là có căn cứ, hợp pháp và phán quyết trọng tài thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Các bên ký kết thỏa thuận trọng tài không có năng lực để ký kết thỏa thuận đó theo pháp luật được áp dụng cho mỗi bên;

b) Thỏa thuận trọng tài không có giá trị pháp lý theo pháp luật của nước mà các bên đã chọn để áp dụng hoặc theo pháp luật của nước nơi phán quyết đã được tuyên, nếu các bên không chọn pháp luật áp dụng cho thỏa thuận đó;

c) Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành không được thông báo kịp thời và hợp thức về việc chỉ định Trọng tài viên, về thủ tục giải quyết vụ tranh chấp tại Trọng tài nước ngoài hoặc vì nguyên nhân chính đáng khác mà không thể thực hiện được quyền tố tụng của mình;

d) Phán quyết của Trọng tài nước ngoài được tuyên về một vụ tranh chấp không được các bên yêu cầu giải quyết hoặc vượt quá yêu cầu của các bên ký kết thỏa thuận trọng tài. Trường hợp có thể tách được phần quyết định về vấn đề đã được yêu cầu và phần quyết định về vấn đề không được yêu cầu giải quyết tại Trọng tài nước ngoài thì phần quyết định về vấn đề được yêu cầu giải quyết có thể được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;

đ) Thành phần của Trọng tài nước ngoài, thủ tục giải quyết tranh chấp của Trọng tài nước ngoài không phù hợp với thỏa thuận trọng tài hoặc với pháp luật của nước nơi phán quyết của Trọng tài nước ngoài đã được tuyên, nếu thỏa thuận trọng tài không quy định về các vấn đề đó;

e) Phán quyết của Trọng tài nước ngoài chưa có hiệu lực bắt buộc đối với các bên;

g) Phán quyết của Trọng tài nước ngoài bị cơ quan có thẩm quyền của nước nơi phán quyết đã được tuyên hoặc của nước có pháp luật đã được áp dụng hủy bỏ hoặc đình chỉ thi hành.

2. Phán quyết của Trọng tài nước ngoài cũng không được công nhận, nếu Tòa án Việt Nam xét thấy:

a) Theo pháp luật Việt Nam, vụ tranh chấp không được giải quyết theo thể thức trọng tài;

b) Việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

3. Tòa án có thẩm quyền công nhận và cho thi hành

Theo quy định tại khoản 1 Điều 451 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày phán quyết của Trọng tài nước ngoài có hiệu lực pháp luật, người được thi hành, người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền gửi đơn đến Bộ Tư pháp Việt Nam theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Bộ luật này trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên không quy định hoặc không có điều ước quốc tế liên quan để yêu cầu Tòa án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết đó.

Căn cứ khoản 5 Điều 31, điểm c khoản 2 Điều 35, điểm b khoản 1 Điều 37 và điểm e khoản 2 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì Tòa án có thẩm quyền thụ lý và giải quyết việc công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam là Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp Việt Nam – người phải thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài có trụ sở hoặc Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài.

Trên đây là một số thông tin có liên quan đến việc yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam mà KAV Lawyers mong muốn chia sẻ đến Quý Khách hàng. KAV Lawyers là một công ty luật, một tổ chức hành nghề luật sư, có trụ sở tại Quận 4, Tp. Hồ Chí Minh (Sài Gòn), Việt Nam. Với đội ngũ luật sư, nhân sự chuyên nghiệp, tận tâm, uy tín, được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm trong lĩnh vực tranh tụng tại Tòa án và Trọng tài tại Việt Nam, các luật sư của KAV Lawyers có thể cung cấp các dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực này cho Quý Khách hàng.

Trong trường hợp Quý Khách hàng có thắc mắc hoặc cần tư vấn pháp luật liên quan đến việc yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, xin vui lòng liên hệ với KAV Lawyes theo thông tin như sau:

Email: info@kavlawyers.com hoặc vu@kavlawyers.com

Số điện thoại: (+84) 28 6270 7075 hoặc (+84) 949 761 861

KAV Lawyers – Công ty Luật uy tín xin hân hạnh được phục vụ quý khách.

Your Language »