MỘT SỐ ĐIỂM MỚI TRONG BỘ LUẬT LAO ĐỘNG NĂM 2019 (PHẦN 1)

Bộ luật lao động năm 2019 được Quốc hội thông qua với tổng cộng là 17 chương, 220 Điều luật sửa đổi, bổ sung. Bộ luật chính thức có hiệu lực từ 01/01/2021 với nhiều điểm mới đáng lưu ý trong nội dung như về các loại hợp đồng, phương thức giao kết hợp đồng lao động qua mạng điện tử, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần lý do, bổ sung trường hợp nghỉ việc hưởng nguyên lương, thời gian nghỉ lễ dài hơn, … và nhiều nội dung khác. Việc ban hành Bộ luật lao động năm 2019 đã góp phần khắc phục những hạn chế trong thực tiễn thi hành bộ luật trước đó, làm hài hòa, cân bằng quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động. Trong bài viết ngắn này, KAV Lawyers sẽ cùng bạn đọc điểm qua một vài điểm mới đáng lưu ý của Bộ luật lao động năm 2019. Trân Trọng.

KHÔNG CÒN QUY ĐỊNH VỀ HỢP ĐỒNG THEO MÙA VỤ HOẶC THEO MỘT CÔNG VIỆC NHẤT ĐỊNH

Theo đó, các loại hợp đồng được quy định tại khoản 1 Điều 20 BLLĐ 2019 như sau: hợp đồng chỉ được giao kết theo một trong hai loại: a) hợp đồng lao động không xác định thời hạn và b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn, với thời hạn chấm dứt hiệu lực hợp đồng là không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

Có nghĩa là Bộ luật lao động năm 2019 đã xóa bỏ hình thức giao kết hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định, mà chỉ còn 02 loại hợp đồng lao động chính như trên.

THÊM HÌNH THỨC GIAO KẾT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Nếu như trước đây Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản, hoặc hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 03 tháng (đối với luật cũ), dưới 01 tháng (đối với luật mới). Thì BLLĐ 2019 đã quy định thêm có thể giao kết Hợp đồng lao động thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật (khoản 1 Điều 14, BLLĐ 2019). Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tửcó giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.

TĂNG THỜI GIAN THỬ VIỆC

Bộ luật lao động 2012 quy định: Thời gian thử việc tối đa là 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên (khoản 1 Điều 27 BLLĐ 2012).

Tuy nhiên, BLLĐ 2019 có quy định thêm đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp thời gian này đã được tăng lên là 180 ngày (khoản 1 Điều 25 BLLĐ 2019).

TẠM HOÃN HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Bộ luật lao động 2019 bổ sung thêm 03 trường hợp được phép tạm hoãn hợp đồng lao động quy định cụ thể tại Điều 30 BLLĐ 2019 là:

  • Người lao động được bổ nhiệm làm người quản lý doanh nghiệp của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
  • Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
  • Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phần vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác;

QUYỀN ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Theo đó, BLLĐ 2019 cho phép NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần lý do nhưng điều kiện là phải báo trước cho NSDLĐ trong một thời gian nhất định, tùy vào từng loại hợp đồng. Điều 35 BLLĐ 2019 quy định cụ thể về thời gian thông báo như sau:

  • Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
  • Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
  • Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng

Ngoài ra NLĐ còn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong các trường hợp sau:

  • Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp người lao động phải chuyển đến nơi làm việc khác so với hợp đồng lao động vì lý do chính đáng;
  • Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp bất khả kháng;
  • Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
  • Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
  • Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc;
  • Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
  • Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

ĐIỀU CHỈNH VỀ TUỔI NGHỈ HƯU

Theo quy định của Bộ luật lao động 2019 thì tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Trong khi đó, theo BLLĐ 2012 thì độ tuổi này là 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ.

NLĐ ĐƯỢC NGHỈ THÊM VÀO DỊP LỄ QUỐC KHÁNH

Trước đây, Quốc Khánh 02/09 NLĐ chỉ được nghỉ 1 ngày duy nhất. Nhưng kể từ 01/01/2021 BLLĐ 2019 có hiệu lực NLĐ sẽ được nghỉ thêm tổng cộng là 02 ngày vào dịp lễ Quốc Khánh (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau).

Nhìn chung Bộ luật lao động 2019 đã có những thay đổi, khắc phục những thực tiễn thi hành trước đó, đáp ứng những đòi hỏi đổi mới của thị trường lao động đang thay đổi, phát triển nhanh chóng, đảm bảo hài hòa lợi ích lao động của người lao động và người sử dụng lao động.

Trên đây là bài viết tham khảo về điểm mới của Bộ luật lao động 2019, nếu có thắc mắc hay mong muốn tư vấn pháp luật nào khác, quý khách vui lòng liên hệ KAV Lawyers qua các địa chỉ liên lạc dưới đây:

Email: info@kavlawyers.com hoặc vu@kavlawyers.com

Số điện thoại: : (+84) 28 6270 7075 hoặc (+84) 949 761 861

KAV Lawyers – Công ty luật uy tín, rất hân hạnh được phục vụ quý khách !


Your Language »