Nhằm cung cấp kiến thức cần thiết để giúp mọi người hiểu đúng về các phương pháp ăn uống khoa học, hạn chế được nguy cơ ngộ độc; các vấn đề pháp lý liên quan đến việc chia sẻ các thông tin về ăn uống trên mạng xã hội, ngày 08/8/2022, Báo Pháp luật TP.HCM tổ chức Chương trình giao lưu trực tuyến “Ăn uống theo mạng có mang lại hiệu quả tích cực?”. Luật sư, ThS. Kiều Anh Vũ – Giám đốc Công ty Luật KAV Lawyers – là một trong các khách mời tại Buổi giao lưu để giải đáp các thắc mắc về pháp lý của độc giả.
Tham gia trả lời câu hỏi cho bạn đọc trong buổi tọa đàm gồm có Thạc sĩ-Bác sĩ Phạm Ngọc Oanh, Trưởng khoa dinh dưỡng- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC); Tiến sĩ Nguyễn Văn Chung, Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng và ẩm thực Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM và Luật sư, ThS. Kiều Anh Vũ, Giám đốc Công ty Luật TNHH KAV Lawyers, Đoàn Luật sư TP.HCM.


Một số nội dung Luật sư Kiều Anh Vũ – Giám đốc KAV Lawyers – đã chia sẻ tại Tọa đàm:
Bạn Quang Thắng hỏi:
11:06 08/08/2022
Luật sư có lời khuyên nào cho người tiêu dùng về việc ngăn chặn hay chia sẻ các thông tin sai sự thật trên không gian mạng hay không?
Luật Sư Kiều Anh Vũ:
Tôi cho rằng để tránh việc tiếp cận với thông tin không đúng sự thật thì bản thân chúng ta phải có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng mạng xã hội.
Chúng ta khi tiếp nhận thông tin thì đừng vội vàng nhấn nút chia sẻ hay đăng tải lại thông tin mà chưa kiểm chứng, nếu thông tin này sai sự thật thì vô tình đây cũng là hành vi vi phạm pháp luật.
Phải lưu ý rằng khi xuất hiện thông tin sai sự thật thì người tạo ra thông tin này đã vi phạm pháp luật và người chia sẻ thông tin cũng bị liên đới.
Do đó, theo tôi nâng cao trách nhiệm, ý thức của bản thân chúng ta là vô cùng quan trọng. Để nâng cao ý thức đó cần có sự đồng hành của cơ quan chức năng, cơ quan báo chí truyền thông để truyền tải thông tin về xử phạt vi phạm, từ đó nâng cao ý thức của người dùng mạng.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tăng cường xử phạt các hành vi vi phạm nhiều hơn để tạo tính răn đe. Đồng thời hoàn thiện, nâng cao khung pháp lý xử phạt hiện nay.
Đơn cư theo tôi khung xử phạt 7,5 triệu cho hành vi tung tin thất thiệt như hiện nay có thể chưa đủ sức răn đe với một số người. Thực tế, một số người kiếm được nhiều tiền hơn mức phạt từ thông tin sai sự thật đó và họ sẵn sàng chấp nhận bị xử phạt.
Ngoài ra, trong tương lai thì chúng ta cần tính đến luật về phòng chống tin giả bởi một số quốc gia đã có luật này rồi.
Bạn Huỳnh Phương Hải Hỏi:
10:50 08/08/2022
Con của tôi thường xem Tik Tok và thực hiện theo các lời kêu gọi thử thách như là ăn cay, uống nước ngọt trong 10 giây…. Một số lời kêu gọi làm theo các trào lưu không đúng sự thật, thậm chí gây hại cho sức khỏe, vậy việc đưa các lời kêu gọi như vậy lên môi trường mạng bị xử lý như thế nào?
Luật Sư Kiều Anh Vũ:
Đối với việc xử lý trên không gian mạng về khung pháp lý là có, rất rõ ràng và có nhiều ví dụ về tổng thể như luật an ninh mạng.
Ngoài ra, đối với các hành vi vi phạm trên môi trường mạng đã có các quy định riêng về xử phạt vi phạm hành chính.
Cụ thể theo Nghị định 15/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thì đối với hành vi đăng tải thông tin, chia sẻ trên không gian mạng sai sự thật sẽ có khung xử phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với cá nhân.
Thông thường mức phạt trung bình là 7,5 triệu đồng đối với hành vi chia sẻ đăng tải hành vi sai sự thật trên không gian mạng. Đây cũng là mức phạt khá phổ biến và thường gặp nhất là trong thời điểm diễn ra dịch COVID-19 vừa qua. Đối với tổ chức, doanh nghiệp thì mức xử phạt cho hành vi này là gấp đôi, nghĩa là 10 triệu – 20 triệu đồng.
Việc xử lý các hành vi vi phạm như trên diễn ra khá thường xuyên và có tính chất răng đe.
Quay lại các trường hợp đăng tải thông tin không đúng sự thật trên Youtube, Tiktok hay Facebook thì đơn vị xử lý phổ biến nhất là đơn vị Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Theo tôi được biết thì Công an TP cũng đã xử lý rất nhiều trường hợp như vậy. Bản thân tôi cũng tham gia rất nhiều vào các vụ việc tương tự ở vị trí tố giác lẫn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Xem thêm: https://plo.vn/an-uong-theo-mang-co-mang-lai-hieu-qua-tich-cuc-post692152.html
Video clip của buổi giao lưu (livestream): https://tv.plo.vn/giao-luu-truc-tuyen-an-uong-theo-mang-co-mang-lai-hieu-qua-tich-cuc-post692827.html
