KAV LAWYERS – NHỮNG THAY ĐỔI CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN TRONG LUẬT DOANH NGHIỆP 2020.

Công ty Cổ phần (CTCP) là một trong những loại hình công ty khá phổ biến tại Việt Nam. Với đặc điểm là loại hình doanh nghiệp đối vốn, nên CTCP có thể huy động vốn một cách tối ưu và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, việc có nhiều nhà đầu tư là tổ chức hoặc cá nhân, góp vốn vào công ty để trở thành cổ đông công ty sẽ gây ra khó khăn trong việc kiểm soát và quản trị công ty. Chính vì vậy mà CTCP cần có cơ chế kiểm soát tốt hơn và phối hợp chặt chẽ hơn trong việc vận hành và quản trị doanh nghiệp. Hiểu được vấn đề này, Luật Doanh Nghiệp 2020 (LDN 2020), đã có những thay đổi thiết thực hơn theo hướng bảo vệ cổ đông phổ thông thiểu số, chú trọng vào việc vận hành và quản trị công ty, hạn chế các cổ đông hoặc nhóm cổ đông lớn liên kết với nhau để chuyên quyền và tư lợi. Sau đây KAV Lawyers sẽ có bài viết tổng hợp một số điểm nổi bật trong quy định về CTCP của LDN 2020 dưới đây cho quý vị độc giả theo dõi. Trân trọng!

  1. Điểm mới về Công ty cổ phần được quy định trong Luật Doanh Nghiệp 2020.

Quyền và nghĩa vụ của cổ đông

LDN 2020 quy đinh về quyền và nghĩa vụ của cổ đông trong CTCP theo hướng bảo vệ ý chí của cổ đông thiểu số. Cụ thể, theo LDN 2020, quy định tại khoản 2 Điều 115 thì “cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo Điều lệ của công ty quy định thì có quyền xem xét, tra cứu, trích lục sổ biên bản, nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị (HĐQT), báo cáo tài chính giữa và hằng năm, báo cáo của Ban kiểm soát, hợp đồng, giao dịch phải thông qua HĐQT và tài liệu khác (trừ tài liệu liên quan đến bí mật thương mại, bí mật kinh doanh của công ty).”  Như vậy, so với LDN 2014 quy định quyền cổ đông khi muốn xem xét các biên bản, nghị quyết, quyết định,v.v… là từ 10% trở lên và giới hạn thời hạn sở hữu là liên tục ít nhất 06 tháng, thì ở LDN 2020, thời hạn liên tục sở hữu được bãi bỏ và tỷ lệ phần trăm thì được giảm đi.

Ngoài ra, LDN 2020 còn bổ sung thêm nghĩa vụ của cổ đông tại Điều 119 LDN 2020, theo đó, cổ đông phải có nghĩa vụ bảo mật thông tin được cung cấp, nghiêm cấm phát tán hoặc sao gửi thông tin cho tổ chức, cá nhân khác. Nghĩa vụ bảo mật thông tin của cổ đông được nâng cao, tuy nhiên việc chỉ quy định rằng cổ đông phải có nghĩa vụ nhưng chưa quy định rõ, nếu không thực hiện đúng thì sẽ bị xử phạt như thế nào, là bất cập trong thực tiễn áp dụng. Mặt khác, việc quy định về nghĩa vụ bảo mật này cũng không nêu rõ liệu hạn chế này có làm ngăn cản cổ đông trong công ty cung cấp thông tin của công ty cho người mua tiềm năng hay không?

Ngưỡng biểu quyết

Thay đổi về ngưỡng biểu quyết trong CTCP. Theo khoản 1 Điều 145 LDN 2020 thì cuộc họp ĐHĐCĐ được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện trên 50% tổng số phiếu biểu quyết hoặc tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định. So với LDN 2014, khi mà muốn triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐ thì cần phải có cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết. Như vậy, cổ đông hoặc nhóm cổ đông chỉ cần sở hữu tổng số phiểu biểu quyết trên 50% thì sẽ có quyền thông qua nghị quyết của ĐHĐCĐ (trừ một số trường hợp quy định khác).

Chào bán cổ phần riêng lẻ

CTCP không phải là công ty đại chúng thì khi chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty, không cần phải thông báo về việc chào bán cổ phần riêng lẻ với Cơ quan đăng ký kinh doanh. (LDN 2014 bắt buộc việc chào bán cổ phần riêng lẻ phải được thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 05 ngày làm việc). Việc chào bán cổ phần của CTCP thực hiện theo các quy định sau:

– CTCP sẽ quyết định phương án chào bán cổ phần riêng lẻ;

– Cổ đông của công ty thực hiện quyền ưu tiên mua cổ phần theo Luật quy định (trừ trường hợp sáp nhập, hợp nhất công ty);

-Trường hợp Cổ đông và người nhận chuyển quyền ưu tiên mua không mua hết thì số cổ phần còn lại được bán cho người khác theo phương án chào bán cổ phần riêng lẻ với điều kiện không thuận lợi hơn so với điều kiện chào bán cho các cổ đông, trừ trường hợp Đại hội đồng cổ đông có chấp thuận khác.

Lưu ý: nhà đầu tư nước ngoài mua Cổ phần chào bán riêng lẻ phải thực hiện thủ tục về mua cổ phần theo quy định của Luật Đầu tư.

Nhiệm kỳ của thành viên độc lập Hội Đồng Quản Trị

Luật doanh nghiệp 2014 không giới hạn về số nhiệm kỳ mà một thành viên độc lập Hội Đồng Quản Trị được bầu lại. Tuy nhiên, LDN 2020 quy định về thành viên độc lập HĐQT như sau: “Nhiệm kỳ của thành viên HĐQT không quá 05 năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Một cá nhân chỉ được bầu làm thành viên độc lập HĐQT của một công ty không quá 02 nhiệm kỳ liên tục.” Như vậy, theo quy định của LDN 2020, giới hạn nhiệm kỳ của thành viên độc lập Hội Đồng Quản Trị là không quá 05 năm và thời gian liên tiếp được bầu làm thành viên độc lập quản trị là không quá 02 nhiệm kỳ liên tục.

Quyền miễn nhiệm thành viên Hội Đồng Quản Trị của Đại hội đồng cổ đông khi xét thấy cần thiết mặc dù trường hợp bị miễn nhiệm chưa được quy định tại điều lệ công ty

Luật doanh nghiệp 2014 liệt kê cụ thể các trường hợp thành viên Hội Đồng Quản Trị bị miễn nhiệm, các trường hợp miễn nhiệm ngoài quy định của luật thì phải được ghi nhận tại điều lệ công ty. LDN 2020 đã mở rộng phạm vi các trường hợp thành viên Hội Đồng Quản Trị bị miễn nhiệm và quyền xem xét miễn nhiệm thành viên Hội Đồng Quản Trị của Đại hội đồng cổ đông. Theo quy định tại khoản 3 Điều 160 LDN 2020 thì Khi xét thấy cần thiết, Đại hội đồng cổ đông có quyền miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị ngoài trường hợp được quy định bởi luật và được ghi nhận tại điều lệ công ty.

Ngoài ra còn có những điểm mới khác

– Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (khoản 6 Điều 114 LDN 2020);

– Thay đổi quyền của cổ đông ưu đãi, khoản 6 Điều 148 quy định về điều kiện để thông qua nghị quyết của ĐHĐCĐ: “Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông về nội dung làm thay đổi bất lợi quyền và nghĩa vụ của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi chỉ được thông qua nếu được số cổ đông ưu đãi cùng loại dự họp sở hữu từ 75% tổng số cổ phần ưu đãi loại đó trở lên tán thành hoặc được các cổ đông ưu đãi cùng loại sở hữu từ 75% tổng số cổ phần ưu đãi loại đó trở lên tán thành trong trường hợp thông qua nghị quyết dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản”.

– Ban kiểm toán nội bộ của HĐQT được đổi thành “Ủy ban kiểm toán”.

Trên đây là bài tổng hợp ngắn một số thay đổi nổi bật trong CTCP của LDN 2020 của KAV Lawyers nhằm giúp quý vị độc giả có cái nhìn tổng quát hơn về CTCP, xin cảm ơn.

*Lưu ý bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, để biết chính xác hơn về những thông tin chuyên môn, xin liên hệ với KAV Lawyers qua e-mail hoặc số điện thoại dưới đây:

Email: info@kavlawyers.com hoặc vu@kavlawyers.com

Phone: (+84) 28 6270 7075 hoặc (+84) 949 761 861

Your Language »