ĐIỂM MỚI CỦA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG 2019 (PHẦN 3)

Tiếp nối bài viết về các điểm mới trong Bộ luật Lao động 2019 (BLLĐ 2019) phần 1 và phần 2, KAV Lawyers xin cung cấp thêm cho bạn đọc những điểm mới theo BLLĐ 2019 phần 3.

TĂNG THỜI GIỜ LÀM THÊM THEO THÁNG LÊN 40 GIỜ

Theo đó, điểm b khoản 2 Điều 106 BLLĐ 2012 quy định rằng “Trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày và không quá 30 giờ trong một tháng. Trong khi đó, theo BLLĐ 2019 quy định thì số giờ làm thêm theo tháng là không quá 40 giờ trong một tháng, cụ thể điểm b khoản 2 Điều 107 BLLĐ 2019 quy định: “Trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng”.

BỔ SUNG NGÀY NGHỈ HẰNG TUẦN CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

BLLĐ 2012 quy định người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần thì NSDLĐ có trách nhiệm bảo đảm cho NLĐ được nghỉ tính bình quân một tháng ít nhất bốn ngày. Còn BLLĐ 2019 bổ sung thêm quy định đối với các trường hợp nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hàng tuần vào ngày làm việc kế tiếp (khoản 3 Điều 111 BLLĐ 2019).

GIA HẠN GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG

BLLĐ 2012 quy định thời hạn giấy phép lao động tối đa là 02 năm, trong khi đó, BLLĐ 2019 bổ sung thêm quy định về thời hạn gia hạn giấy phép lao động. Theo đó, BLLĐ 2019 quy định “Thời hạn của giấy phép lao động tối đa là 02 năm, trường hợp gia hạn thì chỉ được gia hạn một lần với thời hạn tối đa là 02 năm”.

BỔ SUNG TRƯỜNG HỢP NGƯỜI LAO ĐỘNG CÓ QUYỀN ĐÌNH CÔNG

Theo đó BLLĐ 2012 quy định rằng đình công chỉ được tiến hành đối với các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, và sau thời hạn quy định tại khoản 3 Điều 206 BLLĐ 2012 (cụ thể là sau 03 ngày kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải không thành hoặc sau 05 ngày kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải thành mà một trong các bên không thực hiện thỏa thuận đã đạt được). Trong khi đó, BLLĐ 2019 mở rộng về trường hợp người lao động có quyền đình công trong các trường hợp sau:

  • Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải;
  • Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.

GIẢM BỚT ĐỐI TƯỢNG THÔNG BÁO KHI CÓ QUYẾT ĐỊNH ĐÓNG CỬA TẠM THỜI NƠI LÀM VIỆC

Theo BLLĐ 2012 thì khi có thông báo quyết định đóng cửa tạm thời nơi làm việc thì người sử dụng lao động có trách nhiệm niêm yết công khai quyết định tạm thời đóng cửa và thông báo cho các cơ quan tổ chức sau: Ban chấp hành công đoàn tổ chức, lãnh đạo đình công; công đoàn cấp tỉnh; tổ chức đại diện người sử dụng lao động; cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh; ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đóng trụ sở. BLLĐ 2019 đã giảm đối tượng cần thông báo còn 3 đối tượng sau: Tổ chức đại diện người lao động đang tổ chức và lãnh đạo đình công; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện có nơi làm việc dự kiến đóng cửa.

Trên đây là bài viết về một số điểm mới trong BLLĐ 2019, KAV Lawyers gửi đến bạn đọc. Nếu có thêm thắc mắc hoặc cần tư vấn pháp luật, vui lòng liên hệ KAV Lawyers qua các địa chỉ sau:

Email: info@kavlawyers.com hoặc vu@kavlawyers.com

Số điện thoại: (+84) 28 6270 7075 hoặc (+84) 949 761 861

KAV Lawyers – Công ty Luật uy tín, hân hạnh được phục vụ quý khách.

Your Language »