ĐIỂM MỚI TRONG BỘ LUẬT LAO ĐỘNG (PHẦN 2)

Tiếp nối bài viết về các điểm mới trong Bộ luật lao động 2019 (BLLĐ 2019) phần 1, KAV Lawyers xin cung cấp thêm những điểm mới theo BLLĐ 2019 phần 2.

CÓ THỂ TRẢ LƯƠNG CHO NGƯỜI ĐƯỢC NGƯỜI LAO ĐỘNG ỦY QUYỀN HỢP PHÁP.                                                    

Theo đó, BLLĐ 2019 có quy định về nguyên tắc trả lương như sau: “Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp”. Bên cạnh đó còn bổ sung thêm quy định về cấm người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động, không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.

NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG KHÔNG CẦN PHẢI GỬI THANG, BẢNG LƯƠNG CHO CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN.

BLLĐ 2012 quy định rằng: “khi xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và công bố công khai tại nơi làm việc của người lao động trước khi thực hiện, đồng thời gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động”.Tuy nhiên, BLLĐ 2019 đã bỏ quy định về việc phải gửi đồng thời đến cơ quan quản lý nhà nước. Theo đó, khoản 3 Điều 93 BLLĐ 2019 quy định: “Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động. Thang lương, bảng lương và mức lao động phải được công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện.”.

NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG PHẢI TRẢ CÁC LOẠI PHÍ LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC MỞ TÀI KHOẢN VÀ CHUYỂN TIỀN LƯƠNG.

BLLĐ 2012 chỉ quy định rằng “Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng. Trường hợp trả qua tài khoản ngân hàng, thì người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động về các loại phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản”. Trong khi đó, BLLĐ 2019 quy định về hình thức trả lương trong trường hợp trả qua tài khoản ngân hàng như sau: “Trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương. Như vậy, thay vì BLLĐ 2012 cho các bên thỏa thuận về việc trả phí thì BLLĐ 2019 quy trách nhiệm chi trả các chi phí liên quan đến việc mở tài khoản và trả tiền lương sẽ thuộc về người sử dụng lao động.

NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG PHẢI THÔNG BÁO BẢNG KÊ TRẢ LƯƠNG CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG.

BLLĐ 2012 không có quy định này, BLLĐ 2019 quy định tại Điều 95 như sau: “Mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có)”.

THƯỞNG CÓ THỂ KHÔNG CHỈ LÀ TIỀN.

Theo đó quy định tại BLLĐ 2012 thì tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Tuy nhiên, BLLĐ 2019 đã mở rộng đối tượng, theo đó, thưởng ở đây không chỉ là tiền mà còn là  tài sản hoặc các hình thức khác, khoản 1 Điều 104 quy định Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động”.

BỔ SUNG THÊM QUY ĐỊNH VỀ TẠM ỨNG TIỀN LƯƠNG

Theo đó BLLĐ 2012 quy định 02 trường hợp được tạm ứng tiền lương là:

  • Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thoả thuận;
  • Người sử dụng lao động phải tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 01 tháng lương và phải hoàn lại số tiền đã tạm ứng trừ trường hợp thực hiện nghĩa vụ quân sự.

BLLĐ 2019 quy định thêm một trường hợp tại khoản 3 Điều 95 là: “Khi nghỉ hằng năm, người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ”.

Trên đây là một số điểm mới về Bộ luật lao động 2019, nếu có thắc mắc hoặc mong muốn tư vấn pháp luật, quý khách liên hệ với KAV Lawyers qua địa chỉ liên lạc sau:

Email: info@kavlawyers.com hoặc vu@kavlawyers.com

Số điện thoại: : (+84) 28 6270 7075 hoặc (+84) 949 761 861

KAV Lawyers – Công ty luật uy tín, hân hạnh được phục vụ quý khách !

Your Language »